Bên cạnh tờ trình của Ủy ban thường vụ giới thiệu ông Trần Đại Quang thay ông Trương Tấn Sang, các đại biểu khác cũng có quyền ứng cử vào chức danh này.
Đại tướng Trần Đại Quang. Ảnh: Giang Huy.
|
Chiều 31/3, tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Ủy ban thường vụ đọc tờ trình đề cử nhân sự bầu Chủ tịch nước, kế nhiệm ông Trương Tấn Sang vừa thôi chức. Theo đó, ông Trần Đại Quang - Đại tướng, Bộ trưởng Công an là ứng viên duy nhất được giới thiệu bầu chức danh này.
Danh sách nhân sự sẽ được thảo luận tại đoàn và bỏ phiếu kín vào ngày 2/4.
Trả lời về việc danh sách bầu không có số dư, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc giải thích, đại biểu có quyền ứng cử, đề cử sau khi Thường vụ trình danh sách bầu Chủ tịch nước.
"Đây là quyền của đại biểu, Quốc hội sẽ phát phiếu xin giới thiệu. Nhưng quá trình thảo luận nhân sự Chủ tịch Quốc hội trước đó, không đại biểu nào tự ứng cử hay đề cử. 100% đồng ý với danh sách đề cử bà Nguyễn Thị Kim Ngân", ông Phúc nói.
Sáng nay, Quốc hội đã phê chuẩn kết quả bầu bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội với tỷ lệ tán thành cao. Bà Ngân trở thành nữ Chủ tịch đầu tiên của Quốc hội và cũng là lãnh đạo cao cấp đầu tiên thực hiện nghi thức tuyên thệ khi nhậm chức.
Nói về sự khác thường trong lần kiện toàn nhân sự cấp cao khi lãnh đạo đương nhiệm chưa hết nhiệm kỳ, đại biểu Dương Trung Quốc giải thích, thông thường các chức danh chủ chốt của quốc gia do đại biểu Quốc hội khoá mới bầu, để bắt đầu một nhiệm kỳ mới. Tuy nhiên, kết quả Đại hội Đảng 12 vừa qua đã tạo ra tình huống lần đầu tiên 3 chức danh quan trọng nhất không tham gia Ban chấp hành trung ương và không tham gia Bộ Chính trị.
Nếu kéo dài tình trạng những vị trí cao cấp không có cương vị trong Đảng thì không phù hợp với thiết chế chính trị Việt Nam. Do đó, Quốc hội phải bầu mới một lúc ba vị trí quan trọng. "Đây là tình huống phù hợp với đòi hỏi, để làm bộ máy sớm đi vào hoạt động có hiệu quả trong công tác đối nội và đối ngoại", đại biểu tỉnh Đồng Nai nói.
Ông Trần Đại Quang (60 tuổi) quê ở Ninh Bình. Là Giáo sư Tiến sĩ Luật, ông đã đảm nhiệm các chức vụ Cục trưởng Cục tham mưu an ninh, Tổng cục trưởng tổng cục An ninh, Thứ trưởng Bộ Công an.
Năm 2011, ông được phê chuẩn làm Bộ trưởng Công an tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 13. Cùng năm đó ông được thăng quân hàm từ Trung tướng lên Thượng tướng và một năm sau lên Đại tướng.
Ông là ủy viên Trung ương khóa 10, 11, 12, ủy viên Bộ Chính trị khóa 11, 12, đại biểu Quốc hội khóa 13