Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Đại biểu Quốc hội vắng mặt không lý do bị đề nghị xử lý

Người dân có thể dự thính phiên họp toàn thể, đại biểu phải hát Quốc ca và vắng mặt phải có lý do chính đáng... là những nội dung được đề cập trong Dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội sửa đổi.
Khắc phục tình trạng đại biểu vắng mặt
Chiều 24/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Dự thảo Nội quy (sửa đổi) quy định trong trường hợp không thể dự kỳ họp hoặc vắng mặt tại các phiên họp, đại biểu phải gửi văn bản nêu rõ lý do và thời gian vắng mặt đến Trưởng đoàn, đồng thời gửi Tổng thư ký để báo cáo Chủ tịch Quốc hội xem xét, quyết định. Danh sách đại biểu không thể dự kỳ họp được ghi vào Biên bản kỳ họp; danh sách các đại biểu vắng mặt phiên họp được ghi vào Biên bản phiên họp.
Để góp phần tăng cường kỷ cương, kỷ luật, khắc phục tình trạng vắng quá nhiều đại biểu, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng phiên họp cũng như kết quả biểu quyết, cũng có đại biểu kiến nghị dự thảo Nội quy nên bổ sung quy định về việc điểm danh bằng thẻ điện tử, công khai danh sách đại biểu vắng mặt và tỷ lệ tối thiểu đại biểu có mặt (có ít nhất quá nửa hoặc 2/3 tổng số đại biểu) là điều kiện bắt buộc để tiến hành phiên họp toàn thể.
Bà Trương Thị Mai hi vọng rằng, quy định như vậy sẽ khắc phục được tình trạng đại biểu vắng mặt hiện nay. Tuy nhiên, bà Mai đề nghị cần đưa ra quy định cụ thể, ví dụ nghỉ bao nhiêu ngày thì báo cáo lên các cấp trưởng đoàn, Tổng thư ký kỳ họp và Chủ tịch Quốc hội.
"Quy định đại biểu không được vắng mặt khi không có sự đồng ý của Chủ tịch Quốc hội thì căng quá, chả nhẽ nghỉ một ngày cũng phải xin phép trong khi Chủ tịch lại quá nhiều việc", bà Mai băn khoăn.
Chủ tịch hội đồng dân tộc Ksor Phước dẫn chứng, vừa qua có những đại biểu lợi dụng cuộc họp để giải quyết việc gia đình, làm việc riêng, khiến các thành viên trong đoàn đại biểu Quốc hội không hài lòng.
"Đối với các đại biểu vắng mặt một ngày, tôi đồng ý với chị Mai là không cần báo cáo Chủ tịch Quốc hội mà chỉ cần báo cho Trưởng đoàn rồi báo cho Tổng thư ký kỳ họp. Quốc hội làm việc tập thể, đại biểu là do dân bầu nên phải dự họp. Tôi đề nghị quy định rõ, đại biểu không được vắng quá 1/5 thời gian trong 1 kỳ họp và nếu vắng phải có lý do chính đáng, nếu không phải xử lý", ông Phước nói.
Công dân giám sát Quốc hội 
Dự thảo quy định, công dân có thể được dự thính các phiên họp toàn thể công khai của Quốc hội. Tổng thư ký tổ chức việc công dân dự thính các phiên họp để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn kỳ họp, không ảnh hưởng đến hoạt động của Quốc hội.
Tuy nhiên, có đại biểu cho rằng, hoạt động của Quốc hội ngày càng công khai, thể hiện sự gần dân, thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của cử tri và nhân dân cả nước, trong Nội quy cần quy định rõ hơn về việc công dân dự thính kỳ họp, nhất là điều kiện dự thính, số lượng, thành phần, vị trí ngồi, trường hợp nào không được dự …
Bên cạnh đó, dự thảo cũng cần bổ sung quy định thông tin về kỳ họp, trong đó có quy định các phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp, để góp phần bảo đảm tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện để cử tri, nhân dân cả nước theo dõi, giám sát hoạt động của Quốc hội.
Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị bỏ từ "có thể" trong quy định "công dân có thể đến tham dự kỳ họp Quốc hội", vì người dân đến Quốc hội là để giám sát đại biểu làm việc.
thaoluan-150812-5527-1443092249.jpg
Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề Xã hội Trương Thị Mai. Ảnh: TTX.
Đại biểu phải hát Quốc ca 
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết dự thảo bổ sung quy định lễ chào cờ để khẳng định đây là thủ tục trọng thể được tiến hành trước khi khai mạc và sau khi bế mạc kỳ họp. Trong đó, đại biểu phải hát Quốc ca. 
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm ủy ban kinh tế Nguyễn Văn Giàu bày tỏ sự lo lắng vì mỗi đại biểu một giọng, hát không ổn lắm.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng, việc hát Quốc ca vẫn tiến hành, nếu người nào hát không hay có thể hát nhỏ hơn.
Ngắt hệ thống âm thanh khi đại biểu nói quá dài
Theo quy định, tại phiên họp toàn thể, Chủ tọa nêu những nội dung đề nghị đại biểu tập trung thảo luận. Đại biểu phát biểu tập trung vào nội dung của phiên thảo luận; không phát biểu quá hai lần về cùng một vấn đề. Thời gian phát biểu lần thứ nhất không quá 7 phút, lần thứ hai không quá 3 phút. 
Uỷ ban pháp luật đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định trong trường hợp nội dung thảo luận không có nhiều đại biểu đăng ký phát biểu thì Chủ toạ phiên họp có thể cho đại biểu kéo dài thời gian. Trường hợp nội dung phức tạp, có thể mời đại biểu có kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực đó phát biểu, hoặc mời đại biểu phát biểu đến lần thứ 3, thứ 4 nếu chưa hết thời gian của phiên họp.
Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể biện pháp ngắt hệ thống âm thanh trong trường hợp đại biểu phát biểu quá thời gian quy định, không nên để chủ toạ nhắc nhở như hiện nay để nâng cao chất lượng phát biểu, tăng cường kỷ luật kỳ họp.

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015

Cuộc sống đảo lộn trên phố ngập nặng nhất Hà Nội

Nước dâng cao tràn vào nhà, điện bị cắt khiến cuộc sống người dân sống hai bên phố Ngọc Lâm (Long Biên, Hà Nội) xáo trộn.
Sau cơn mưa lớn suốt đêm đến sáng 22/9, phố Ngọc Lâm (Long Biên) trở thành một trong những tuyến phố ngập sâu nhất Hà Nội. Đoạn phố ngập kéo dài khoảng 3 km, có nơi ngập sâu tới một mét khiến lực lượng chức năng phải phong tỏa hai đầu đường, không cho phương tiện qua lại.
 
Nước dâng cao, tràn cả vào các ngõ hai bên đường. Đơn vị thoát nước Long Biên cho biết, khu vực phường Bồ Đề (Long Biên) ngập sâu do mưa lớn kéo dài, các ao hồ đã đầy nước khiến nước không thoát được.
 
Tại một khu nhà trong ngõ phố Ngọc Lâm, nước ngập lênh láng, cháu nhỏ được bà cho ngồi lên bồn nhựa giả làm thuyền đẩy đi chơi.
 
Phòng khách một gia đình trong ngõ phố Ngọc Lâm, nước tràn vào lênh láng...
 
...trong khi dưới bếp, chủ nhà phải đi ủng để đứng nấu ăn trên nền nhà lênh láng nước. Điện bị cắt từ đêm qua và đến giờ vẫn chưa có lại. 
 
Bếp than kê cao trước cửa nhà một gia đình trong ngõ phố Ngọc Lâm.
 
Bên ngoài phố Ngọc Lâm, các cửa hàng đều đóng cửa. Đường phố vắng tanh, chỉ thỉnh thoảng có người dắt bộ xe qua lại.
 
Một cửa hàng trên phố Ngọc Lâm có nền nhà cao nên chưa bị ngập, vẫn cố gắng mở cửa phục vụ người dân tới mua hàng.
 
Em nhỏ được mẹ cõng qua đoạn phố ngập để về nhà.
 
Rạp cưới của một gia đình dựng trên hè phố Ngọc Lâm ngập lênh láng nước. Việc cưới xin phải tạm dừng, gia đình đang mong nước rút nhanh để kịp tổ chức lễ cưới vào ngày hôm sau.
 
Điện lưới bị cắt, nhân viên của một đơn vị viễn thông phải đưa máy phát điện ứng cứu cho một điểm truyền dẫn.
 
Một học sinh vừa đi vừa nghịch nước trên đường về nhà sau giờ tan học.
 
Phía đầu đường, lực lượng chức năng vẫn phong tỏa phương tiện qua lại. Do các ao hồ đã đầy nước, đến trưa 22/9, phố Ngọc Lâm vẫn ngập sâu và dự kiến phải hết hôm nay nước mới rút
.

Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2015

Nữ sinh khai thiếu hồ sơ được nhận vào trường công an

Tổng cục Chính trị Công an nhân dân đã đồng ý cho thí sinh Bùi Kiều Nhi theo học Học viện Chính trị Công an nhân dân, sau thời gian khiếu nại về việc được 29 điểm nhưng vẫn trượt vì khai thiếu hồ sơ.

Chiều 18/9, thiếu tướng Đỗ Ngọc Cẩn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an nhân dân, cho biết đã đồng ý chiếu cố “tiêu chuẩn về chính trị” để Công an tỉnh Quảng Bình giải quyết cho em Bùi Kiều Nhi ở xã Đức Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình) được nhập học tại Học viện Chính trị Công an nhân dân.
Thiếu tướng Cẩn cho hay, theo Thông tư số 53 ngày 15/8/2012 quy định tiêu chuẩn về chính trị đối với cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân, thí sinh Bùi Kiều Nhi thuộc trường hợp không tuyển vào lực lượng Công an nhân dân. Vì vậy, việc Công an tỉnh Quảng Bình không giải quyết cho thí sinh Nhi nhập học Học viện Chính trị Công an nhân dân là đúng quy định của Bộ Công an.
a-Be-Nhi-29-diem-3894-1442473480.jpg
Nữ sinh Bùi Kiều Nhi. Ảnh: Hoàng Táo.
Tuy nhiên, Tổng cục Chính trị Công an nhân dân đồng ý chiếu cố cho thí sinh Bùi Kiều Nhi, bởi bố đẻ em phạm tội nhưng tính chất ít nghiêm trọng (xử phạt 9 tháng tù treo, thời gian đã quá lâu, trước khi kết hôn và hiện ông đã mất); gia đình thí sinh sống tại miền núi nên hiểu biết về pháp luật còn hạn chế; bản thân thí sinh và thân nhân thời gian qua chấp hành tốt chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Trong kỳ thi THPT quốc gia, Bùi Kiều Nhi đạt điểm cao (29 điểm) và tha thiết được học tập, công tác trong lực lượng Công an nhân dân.
Công an tỉnh Quảng Bình có trách nhiệm yêu cầu thí sinh Bùi Kiều Nhi khai bổ sung lý lịch đầy đủ và trung thực theo đúng quy định của Bộ Công an. Học viện Chính trị Công an nhân dân sẽ có văn bản thông báo trúng tuyển đại học gửi tới gia đình em Bùi Kiều Nhi.
Được nhận vào ngôi trường mơ ước, Bùi Kiều Nhi chia sẻ rất xúc động và cảm ơn mọi người đã giúp đỡ thời gian qua. Họ hàng, bà con lối xóm đã đến chúc mừng Nhi. "Gia đình có nhiều người từng đi bộ đội, hay hải quân, riêng Nhi là người đầu tiên vào ngành công an. Đây là niềm tự hào của cả gia đình", ông Bùi Vĩnh Thuận, chú ruột Nhi, nói. 
Chiều nay hai mẹ con Nhi đã xuống TP Đồng Hới để gặp trực tiếp thiếu tướng, Giám đốc Công an Quảng Bình Từ Hồng Sơn. Ông Sơn đã hỏi về nguyện vọng của Nhi và khen ngợi em là tấm gương hiếu học ở xã vùng cao. Công an Quảng Bình, công an huyện Tuyên Hóa đã có nhiều cuộc họp để bàn hướng giải quyết hợp lý cho thí sinh này.
Gia đình Nhi cho biết, ngày mai nữ sinh sẽ khai lại lý lịch, bổ sung thông tin về việc bố từng có án phạt tù, đồng thời nộp thêm nhiều giấy tờ để chứng minh người bố đã hết án tích, phù hợp với quy định của ngành công an. 
Trước đó, Bùi Kiều Nhi dự thi khối C được 27,5 điểm, trong đó Văn 8,75, Sử 9 và Địa 9,75. Em được ưu tiên khu vực 1,5 điểm, nên tổng là 29 - vừa đủ điểm chuẩn dành cho thí sinh nữ thi vào trường Học viện Chính trị Công an nhân dân. Tuy nhiên, ngày 1/9 Nhi nhận được công văn của công an huyện Tuyên Hóa thông báo không đủ điều kiện nhập học vì em đã "không trung thực" khi không ghi vào lý lịch tự khai có bố từng chịu án tù. 
Gia đình Nhi cho biết, bố em là ông Bùi Vĩnh Tường (sinh 1965, đã mất năm 2013), từng chịu án phạt 9 tháng tù treo từ tháng 5/1992 về tội Chống người thi hành công vụ. Tuy nhiên, khi đó Nhi chưa ra đời, em cũng không được mẹ kể cho nghe nên không biết để khai trong hồ sơ
.

Thứ Năm, 17 tháng 9, 2015

Việt Nam lên án Thái Lan nổ súng làm một ngư dân thiệt mạng

Hà Nội lên án việc Thái Lan sử dụng vũ khí tấn công tàu cá, khiến một ngư dân Việt Nam thiệt mạng, và yêu cầu điều tra làm rõ vụ việc. 
Một trong 6 tàu cá bị nhóm người trang bị vũ khí tấn công. Ảnh: Cửu Long.
Một trong các tàu cá bị phía Thái Lan tấn công. Ảnh: Cửu Long
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng của Việt Nam, ngày 11/9, một số tàu cá của tỉnh Kiên Giang khi đang đánh cá trái phép trong vùng biển của Thái Lan đã bị tàu Thái Lan truy đuổi và sử dụng vũ khí tấn công, khiến một ngư dân Việt Nam thiệt mạng và hai ngư dân khác bị thương.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình hôm nay cho biết ngay sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước để xác minh rõ những thông tin liên quan. Bộ Ngoại giao cũng đã yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan làm việc với nước sở tại để tìm hiểu rõ vụ việc.
Bangkok đã nhận được những thông tin liên quan và đang xác minh vụ việc, đồng thời cho biết sẽ có thông báo chính thức về kết quả điều tra trong thời gian sớm nhất.
Cảnh sát biển Thái Lan thừa nhận họ đã chặn một tàu và nổ súng vào một tàu cá khác của Việt Nam. Tuy nhiên, thiếu tướng Grittapol Yeesakhorn, đứng đầu lực lượng cảnh sát biển Thái Lan, nói rằng không biết có thương vong, và cảnh sát chỉ "tự vệ" khi tàu của họ "bị các tàu Việt Nam vây quanh".
Theo đại tá Phạm Văn Sáng, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, cảnh sát biển Thái Lan nói họ chỉ nổ súng nhằm tự vệ là rất khó chấp nhận. Tàu Thái Lan có ưu thế vận tốc gấp 5-6 lần, trang bị vũ khí và đã bắn xối xả vào các tàu cá Việt Nam.
Thuyền trưởng Ngô Văn sinh bị bắn chết tại chỗ với ít nhất 3 vết đạn vào vùng đầu, mặt. 
Hôm nay, Bộ Ngoại giao đã có công hàm gửi Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội bày tỏ quan ngại sâu sắc và yêu cầu Bangkok điều tra vụ việc. Trong bất kỳ trường hợp nào, Việt Nam lên án mạnh mẽ những hành vi đối xử vô nhân đạo, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với các ngư dân Việt Nam.
"Chúng tôi yêu cầu phía Thái Lan khẩn trương điều tra, xác minh rõ vụ việc, làm rõ trách nhiệm và xử lý những cá nhân liên quan, bồi thường thỏa đáng cho những thiệt hại về người và tài sản của ngư dân Việt Nam, không để xảy ra những vụ việc tương tự, tránh để ảnh hưởng đến quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan", ông Lê Hải Bình nói.
Bộ Ngoại giao cũng gửi lời chia buồn đến gia đình ngư dân Ngô Văn Sinh bị thiệt mạng cùng lời thăm hỏi đến các ngư dân bị thương.
Ông Bình cho biết các cơ quan chức năng của Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ nhằm tăng cường quản lý, giám sát các hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân, đảm bảo tôn trọng vùng biển các nước liên quan.

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2015

Quảng Bình: Nỗi lòng nữ sinh đạt 29 điểm vẫn rớt đại học

Những ngày qua, ở huyện miền núi Tuyên Hóa (Quảng Bình) xôn xao trước thông tin một nữ sinh đạt tổng điểm thi đại học 29 điểm nhưng vẫn rớt đại học. PV Dân trí đã vào vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân vụ việc.

Đó là trường hợp của em Bùi Kiều Nhi (SN 1997, ở thôn Sơn Ngọc, xã Đức Hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình). Trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Nhi đạt số điểm cao nhất nhì huyện, với 29 điểm (trong đó, Địa lí 9,75 điểm; Sử 9 điểm; Văn 8,75, cộng với 1,5 điểm ưu tiên). Với số điểm trên, Nhi dường như đã chắc chắn đậu Học viện Chính trị Công an Nhân dân.
Thế nhưng, mọi người chưa kịp mừng vui thì ngày 4/9, Nhi và gia đình nhận được công văn của Công an huyện Tuyên Hoá thông báo em Bùi Kiều Nhi không đủ điều kiện theo học tại các trường Công an Nhân dân vì đã khai báo không trung thực trong phần khai xét lý lịch.
Clip Nữ sinh 29 điểm bị trượt Đại học
Trong công văn số 2240/CV-CAH ghi rõ, qua xác minh hồ sơ đương sự trong phần thí sinh dự thi tự khai, Công an huyện Tuyên Hoá trả lời như sau: Tra cứu hệ thống thông tin nghiệp vụ của Công an tỉnh Quảng Bình cũng như hồ sơ lưu trữ lại TAND huyện Tuyên Hoá cho thấy, ông Bùi Vĩnh Tường (SN 1965, đã mất năm 2013) là bố đẻ của chị Bùi Kiều Nhi, đã bị từng bị TAND huyện Tuyên Hoá xử phạt 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Chống người thi hành công vụ" (theo bản án số 02 HS-TA ngày 18/5/92).

Ngày 4/9, em Bùi Kiều Nhi mới nhận được công văn của Công an huyện về việc em không được theo học tại các Trường Công an Nhân dân.
Ngày 4/9, em Bùi Kiều Nhi mới nhận được công văn của Công an huyện về việc em không được theo học tại các Trường Công an Nhân dân.
Tuy nhiên, trong phần khai lý lịch của Bùi Kiều Nhi khai về bố lại không có án tích và đã cam đoan, chịu trách nhiệm về lời khai của mình trước pháp luật.
Cầm tờ công văn trên tay, Kiều Nhi và mẹ mình là chị Phạm Thị Thanh Bình (SN 1971) oà khóc nức nở. Chị Bình sụt sùi kể lại: “Thời điểm hai vợ chồng lấy nhau là cuối năm 1992, lúc đó công nghệ thông tin chưa phổ biến như bây giờ nên bản thân tôi trước khi cưới cũng không hề hay biết anh Tường lúc đó đang thụ án. Đến bây giờ, sau khi nghe mấy chú công an nơi con nộp hồ sơ báo về là cháu không đủ điều kiện nhập học vì thiếu trung thực… Đến bây giờ tôi cũng không dám tin đó là sự thật, và sự thật đó lại đến quá muộn khiến con gái của tôi mất luôn cơ hội vào các trường Công an, lại không kịp làm nguyện vọng bổ sung những ngành học khác. Nếu như biết trước thì tôi cho con chọn ngành Sư phạm chứ giờ nhìn con thế này tôi thấy thương nó quá”.
Hai mẹ con như thất thần vì không hề hay biết ông Bùi Vĩnh Tường đã từng có án tích
Hai mẹ con như thất thần vì không hề hay biết ông Bùi Vĩnh Tường đã từng có án tích
Theo một người bạn của ông Tường cho biết, thời đang còn là thanh niên, do gia đình đói kém nên anh Tường có hùn vốn với một số người nữa mua lại gỗ của người dân đi rừng về sau đó đem lên tàu đưa ra TP Vinh bán kiếm lời. Lúc đó, có đoàn thanh tra đến kiểm tra và hai bên có lời qua tiếng lại với nhau nên anh Tường đã bị đoàn liên ngành lập biên bản và xử phạt.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Đức Vân, Chủ tịch xã Đức Hoá cho biết: “Chuyện anh Tường từng bị TAND huyện Tuyên Hoá tuyên 9 tháng tù treo rất ít người biết. Bởi sự việc năm đó cũng không có gì là ghê gớm, không gây nguy hiểm hay thiệt hại lớn cho xã hội nên khi được hưởng án treo, anh Tường vẫn đi lao động bình thường cho đến khi có gia đình nên cũng không ai nhắc lại làm gì nữa. Và trong cuộc sống hằng ngày, anh Tường là một người hiền lành, tu chí làm ăn và yêu thương vợ con cho đến khi mất”.
Nhiều người dân vẫn đang cảm thấy tiếc nuối cho cô bé Kiều Nhi
Nhiều người dân vẫn đang cảm thấy tiếc nuối cho cô bé Kiều Nhi
“Về trường hợp em Bùi Kiều Nhi nếu em không được đi học đại học thì quả thật là một điều đáng tiếc cho địa phương, gia đình và nhất là chính bản thân em. Bởi cháu là một đứa hiền lành, bố lại mất sớm trong khi một mình chị Bình phải nuôi 4 đứa con đang trong độ tuổi ăn học nên khó có điều kiện để cho Nhi theo học những ngành học có học phí cao. Và tôi nghĩ rằng, Nhi và mẹ nó không hề hay biết về sự việc này”, ông Vân nói trong tiếc nuối.
Đi tìm hiểu hơn về vấn đề này, Thượng uý Trần Thị Ngọc Hà, người phụ trách công tác sơ tuyển cho các thí sinh trên địa bàn huyện Tuyên Hóa chia sẻ: “Theo cá nhân tôi thì cảm thấy rất tiếc cho em cũng như địa phương, vì ở huyện nhà hiếm có thí sinh đạt số điểm cao như vậy. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ làm theo quy định của Bộ và sau đó đi thẩm tra, xác minh lại các thông tin trong hồ sơ rồi báo cáo lên tỉnh quyết định”.
Và theo Thượng uý Hoàn, trong quá trình sơ tuyển tại Công an huyện thì em Bùi Kiều Nhi đủ các yếu tố về sức khỏe, tố chất để dự tuyển vào các Trường Công an Nhân dân. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chỉ là những người hướng dẫn các em làm hồ sơ theo quy định của Bộ Công an. Trước khi làm hồ sơ dự tuyển, chúng tôi cũng đã hướng dẫn rất kỹ các em trong việc làm hồ sơ, điền thông tin về lý lịch của những người thân trong gia đình.
"Về sai sót này, tôi thấy khá là đáng tiếc, dù khách quan hay chủ quan thì chúng tôi cũng phải làm theo quy định của Bộ, và trong hồ sơ có phần cam kết của thí sinh và gia đình về việc cung cấp các thông tin đó, nếu có vấn đề gì không trung thực thì thí sinh đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật", Thượng uý Hoàn ngậm ngùi.
Tuy nhiên, ngay sau khi xảy ra sai sót và có công văn về (ngày 4/9) thì cũng sắp hết hạn cuối nộp hồ sơ bổ sung NV2 vào các trường nên dường như Bùi Kiều Nhi lại mất đi thêm một cơ hội vào học tại những trường khác.
Mong muốn và hi vọng còn lại của em là được theo học ngành Sư phạm để đỡ phần nào tiền học phí
Mong muốn và hi vọng còn lại của em là được theo học ngành Sư phạm để đỡ phần nào tiền học phí
“Lúc em nhận được thông báo về việc không được nhập học các trường Công an Nhân dân, em tuyệt vọng lắm! Lúc đó, mọi chuyện xảy ra quá bất ngờ khiến cả gia đình ai cũng choáng váng. Sau đó em cũng đã lên mạng xem chỉ tiêu xét tuyển của một số trường Sư phạm để nộp hồ sơ để đỡ tiền học phí nhưng hầu như các trường đều đã hết chỉ tiêu, chỉ còn một vài trường nhưng ở xa quá. Em vẫn muốn có một phép màu nào để em tiếp tục theo đuổi ngành Công an. Nếu không được thì em sẽ đi làm để kiếm tiền rồi sang năm thi lại vào trường Sư phạm nào đó”, Kiều Nhi tâm sự trong nước mắt.
Sau sự việc đáng tiếc này, em Kiều Nhi vẫn mong muốn được vào ngành Sư phạm Tiểu học tại trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế, thế nhưng giờ tất cả mọi cơ hội đều đã muộn màng với nữ sinh có số điểm cao nhất nhì huyện miền núi nghèo khó này.

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

Bão hướng vào Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Sáng 14/9, áp thấp nhiệt đới đã chuyển thành bão với sức gió mạnh cấp 8 (60-75 km/h), dự kiến sẽ vào bờ biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi chiều nay.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, 4h sáng nay, tâm bão ở vùng biển Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng 220 km, sức gió tối đa 75 km/h. Bão đi theo hướng Tây, đến 16h chiều nay ở trên vùng biển ven bờ Đà Nẵng - Quảng Ngãi, giữ nguyên cường độ.
bao-so-3-1771-1442188190.jpg
Hướng đi của bão số 3. Ảnh: NCHMF.
Sau đó, bão tiếp tục theo hướng Tây, với tốc độ 10-15 km mỗi giờ, đi vào đất liền Đà Nẵng - Quảng Ngãi và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Bắc biển Đông (gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và ngoài khơi Trung Trung Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9-10, biển động mạnh. Ven biển các tỉnh Quảng Bình - Quảng Ngãi từ chiều nay gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Trong hôm nay và những ngày tới, các tỉnh ở miền Trung, bắc Tây Nguyên và cả khu vực Bắc Bộ có mưa và mưa lớn. 
Các sông từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và khu vực Bắc Tây Nguyên sẽ xuất hiện lũ. Mực nước trên các sông ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam ở mức báo động 1-2; các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi và Bắc Tây Nguyên ở mức báo động 2-3, có nơi cao hơn. Ở các tỉnh này có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng vùng trũng.
24h đêm qua, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đã có công điện khẩn gửi các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận yêu cầu thông báo cho chủ phương tiện thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hôm nay khu vực nguy hiểm là vùng biển nam vĩ tuyến 17, bắc vĩ tuyến 13 và đông kinh tuyến 113. Các tỉnh Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên chủ động xác định thời gian cấm biển. 
Đây là cơn bão thứ ba đi vào biển Đông trong năm nay. Theo cơ quan khí tượng, do ảnh hưởng của El Nino, sẽ có khoảng 6 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó 2-3 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam.

Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2015

Clip: Hành trình ì ạch "lết" trên đường Nguyễn Trãi vào mỗi giờ cao điểm

Với nhiều người đi làm trên cung đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội), hàng ngày, cả chiều đi và về đều khốn đốn trước cảnh cố gắng chen chúc, đặc biệt mỗi khi qua đoạn hàng rào đang thi công đường sắt trên cao.

Vài tháng trở lại đây, nhiều người dân đi trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) không vô cùng khốn khổ, nhất là vào giờ cao điểm khi phải mệt mỏi đi qua chặng đường dài khoảng gần 1km nhưng đầy rẫy hàng rào chắn, "lô cốt" của công trường thi công đường sắt trên cao.

Clip hàng ngàn phương tiện nối dài trên đường Nguyễn Trãi - (Thực hiện: Nguyễn Xuân Hoàng, Thế Anh).

1-1e191

2-1e191
Tắc nghẽn kéo dài từ khu vực trước cổng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đến Ngã Tư Sở. Ảnh chụp vào sáng 9/9 - (Ảnh: Biện Thành).

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Đỗ Mạnh Ninh, Đội trưởng Đội CSGT số 7, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cho hay, thời gian qua, từ khoảng 7h – 8h30 sáng hàng ngày, những hàng rào thi công hầm chui nút giao thông Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến gây ùn tắc hàng giờ đồng hồ. Trong khi đó, thời gian này công trường không thi công khiến lực lượng điều tiết giao thông rất vất vả.

“Nguyên nhân gây ùn tắc là do tuyến hàng rào chắn tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông chiếm phần lớn diện tích mặt đường, do vậy Đội CSGT số 7 cũng đã đề nghị Sở GTVT Hà Nội rút giấy phép hàng rào thi công nào dài trên 400m. Tuyến nào chậm thi công thì rút giấy phép để giao thông không bị ùn tắc như hiện nay”, Trung tá Ninh nhấn mạnh.

10-1e191
Rào chắn công trình đường sắt trên cao có đoạn chiếm đến nửa phần đường.

11-1e191
Các chiến sĩ Đội CSGT số 7 luôn căng mình để phân luồng đoạn ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến.

Theo Trung tá Ninh: “Đội cũng đề nghị thời gian tới Sở GTVT Hà Nội cần rà soát lại và chỉ cấp phép cho từng hạng mục theo tiến độ và thi công cuốn chiếu, chứ không thể để vừa làm vừa chơi như hiện nay. Hàng ngày, chúng tôi huy động 100% chiến sĩ ứng trực điều tiết giao thông, kể cả đoạn đường trên cao lẫn dưới đường Nguyễn Trãi”.
Theo quan sát của chúng tôi, suốt nhiều ngày qua, thời gian gây ùn tắc nhiều nhất là khoảng khung giờ từ 7h đến 8h30 sáng và chiều khoảng từ 17h30 đến 18h30 hàng ngày. Hầu như ai đi trên con đường vẫn được ví là “con đường khốn khổ nhất Hà Nội” này đều tỏ ra ngán ngẩm.

3-1e191

Tuyến đường Nguyễn Trãi đông nghịt người vào mỗi buổi sáng.

Chị Nguyễn Thị Lan, nhà ở quận Hà Đông mệt mỏi than vãn, suốt mấy tháng qua hầu như ngày nào chị cũng phải khốn đốn khi vượt quãng đường khoảng 6km từ nhà đến cơ quan ở Ngã tư Sở.

“Nghĩ cảnh mỗi sáng hàng nghìn người dân chen chúc với đủ loại phương tiện ô tô, xe máy đều đổ ra đường, tôi không khỏi ngán ngẩm. Mỗi ngày 2 lần cả chiều đi và về đều khốn đốn vì tắc đường, chưa kể những ngày mưa gió hay có xe ô tô va chạm thì đường gần như kẹt cứng, không thể nhúc nhích. Quãng đường 6km đến nơi làm nhưng có khi tôi phải mất gần 1 giờ đồng hồ”, chị Lan kể.

4-1e191
Hai bên đường có đoạn bị rào chắn lại để đặt máy cẩu.

5-1e191
Cứ đến giờ cao điểm, dòng người đông nghịt toát mồ hôi vượt qua quãng đường với đầy rẫy "lô cốt" và rào chắn của công trình đang thi công.

6-1e191
Hàng trăm người phải đứng chôn chân tại chỗ - (Ảnh: Biện Thành).
7-1e191
Nhiều người leo lên vỉa hè nhưng cũng chẳng khá khẩm hơn - (Ảnh: Biện Thành).

Theo chị Lan, trước khi chưa xây dựng đường sắt trên cao thì giao thông ở đường Nguyễn Trãi vẫn bình thường, tuy đông nhưng ít khi xảy ra ùn tắc nghiêm trọng. “Còn bây giờ thì hầu như ngày nào cũng tắc, nhất là đi qua những lô cốt đang xây dựng, rào chắn chiếm tới nửa đường. Nhiều hôm dậy sớm lo cho các con ăn uống sớm còn đến cơ quan, nếu không bị tắc đường đến muộn lại bị nhắc nhở. Tôi mệt nhất những ngày nắng nóng lúc chen chúc mùi xăng xe bốc lên không thở nổi”, chị Lan chia sẻ thêm.

Không chỉ riêng chị Lan mà rất nhiều người cũng rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười khi vượt qua "con đường khốn khổ" này. Anh Hoàng Văn Bách (nhà ở Bưu điện Hà Đông) cũng khốn khổ mỗi khi đi làm vào sáng sớm. Nhà có ô tô nhưng nhiều khi hai vợ chồng anh cứ phải cân nhắc mãi trước khi quyết định lên xe.

“Hôm nào đi sớm, đường thoáng thì vợ chồng tôi mới dám đi ô tô, còn hôm nào đi vào giờ cao điểm thì xác định phải mất cả giờ đồng hồ mới tới nơi làm việc. Nghĩ cảnh hàng nghìn chiếc xe máy chen chúc, thậm chí đi lên vỉa hè, còn ô tô xếp thành hàng dài có hôm tắc cả km khiến ai cũng thấy mệt mỏi”, anh Bách tâm sự.

8-1e191
Nhiều người tỏ ra mệt mỏi mỗi lần đi qua "con đường khốn khổ nhất Hà Nội".

9-1e191
Cảnh tắc đường thường xuyên xảy ra, những ngày mưa gần như kẹt cứng.

Được biết, trên toàn tuyến Nguyễn Trãi - Hà Đông có gần 10 công trường thuộc dự án đường sắt trên cao và hầm chui Thanh Xuân, hàng rào thi công có công trường chiếm 2/3 lòng đường và nhiều đoạn kéo dài từ 400 đến 500 mét.

12-1e191

13-1e191
Rào chắn công trình tạo thành những nút thắt khiến nhiều phương tiện lưu thông khó khăn cả ngày lẫn đêm.

Liên quan đến việc rút giấy phép hàng rào thi công dài trên 400m, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay: “Sở đã nhận được văn bản của Đội Cảnh sát giao thông số 7 và đã yêu cầu Thanh tra sở cùng với các phòng ban chuyên môn xuống hiện trường kiểm tra các công trường thi công tuyến đường sắt đô thị. Ghi nhận công trường nào chậm thi công, không thi công có báo cáo về Sở trong chiều 10/9. Sáng 11/9, Sở sẽ có thông báo chính thức về đề xuất của Đội Cảnh sát giao thông số 7”.

Thứ Năm, 10 tháng 9, 2015

Trung Quốc phủ sóng 4G ở Hoàng Sa là phi pháp

Các nước có các hoạt động ở Hoàng Sa của Việt Nam là hành động sai trái, theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình.
binh-9635-1441877071.jpg
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình. Ảnh: Quý Đoàn

"Việc các nước có các hoạt động tại đây mà không có sự cho phép và sự đồng ý của Việt Nam là sai trái và hoàn toàn vô giá trị", ông Bình trả lời câu hỏi của VnExpress trong buổi họp báo chiều nay.
Công ty di động Hải Nam thuộc Tập đoàn viễn thông di động China Mobile hôm 7/9 đã đưa vào sử dụng trạm phát sóng 4G tại đảo Linh Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa, theo Xinhua. Sóng được phủ 7 đảo thuộc Hoàng Sa gồm đảo Phú Lâm, đảo Quang Ảnh, đảo Cây, đảo Hoàng Sa, đảo Tri Tôn, đảo Quang Hòa và đảo Linh Côn.
Hồi tháng 3, Tập đoàn viễn thông China Mobile đã phủ sóng 4G trái phép tại bãi đá Chữ Thập và đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Dự kiến trong năm 2015 sẽ tiếp tục xây dựng các trạm phát sóng 4G tại các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép ở Trường Sa.
"Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa", ông Bình nhấn mạnh
.
Cân điện tử | Cân ô tô | Trạm cân ô tô | Trạm cân điện tử | Giá cân ô tô | Giá cân điện tử