Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

Các anh mạnh dạn làm đi, tôi chịu trách nhiệm cho!


Chỉ tay vào ngực mình, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nói với lãnh đạo các sở, ngành và quận, huyện: “Đề nghị các anh làm mạnh dạn tí đi, đừng có ngại nữa. Còn có ngại thì tôi chịu cho!".

Sáng 8/4, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chủ trì cuộc họp giao ban quý 1/2015 về tình hình thực hiện “Năm Văn hóa, văn minh đô thị” theo Chỉ thị 43/CT-TU của Thành ủy Đà Nẵng. Tại đây, bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng đã phải kêu lên: “Cứ cứng nhắc theo quy định của TƯ thì không thể làm gì được!”.

 

“Các anh mạnh dạn làm đi, tôi chịu trách nhiệm cho!” - 1

Tại cuộc họp giao ban ngày 8/4 về tình hình thực hiện "Năm Văn hóa, văn minh đô thị", bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng đã phải kêu lên: "“Cứ cứng nhắc theo quy định của TƯ thì không thể làm gì được!” (Ảnh: HC)

Công an ngại đụng chạm?



Theo bà Thanh Hưng, việc xử lý tình trạng lang thang xin ăn, nay là lang thang xin ăn biến tướng, và bán hàng rong đeo bám, chèo kéo khách, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã có chủ trương và các sở, ngành, địa phương cũng đã triển khai thực hiện từ lâu, được dư luận cả nước đánh giá cao; nay có Chỉ thị 43 thì càng làm mạnh hơn, sâu rộng hơn.



Tuy nhiên vấn đề nổi lên hiện nay là khi phát hiện đối tượng dùng loa phóng thanh để bán hàng rong, đeo bám chèo kéo khách thì đa số địa phương không xử lý dứt điểm ngay mà đẩy đuổi đi nơi khác. Dẫn tới tình trạng “đẩy vòng”, quận này đẩy qua quận kia, quận kia lại đẩy về huyện nọ, gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng.


Theo bà Thanh Hưng, sở dĩ có tình trạng này là do công an một số địa phương không phối hợp xử lý mà đòi hỏi phải có chỗ cất tài sản, phải có biên bản, phải có bàn giao… “Nếu chúng ta cứ giở quy định ra như vậy thì không thể nào xử lý được mà phải rất linh hoạt. Đề nghị ngành dọc phải quán triệt việc này, chứ cứ cứng nhắc theo quy định của TƯ thì không thể làm gì được!” – bà Thanh Hưng nhấn mạnh.


Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cũng than phiền: “Đến nỗi gì mà sợ tới mức không có quy chế xử lý? Những việc lớn hơn mình làm còn được kia mà? Chỗ này có lẽ anh công an và mấy anh chuyên về luật pháp là ngại nhất, sợ đụng vô là vi phạm cái này, vi phạm cái khác!”.


Theo ông, luật pháp không thể quy định đến từng chi tiết. Nếu vì sợ mà không làm mạnh tay, bỏ dở giữa chừng thì đâu cũng sẽ trở lại đó. Vì vậy, ông tỏ ra rất thất vọng khi công an viện lý do “không có chứng cứ” để không xử lý đối tượng lợi dụng người khuyết tật để xin ăn mà “anh em đã rình hết hơi mới bắt được”, và yêu cầu Phó Giám đốc Công an TP Nguyễn Văn Chính giáo dục lực lượng công an phải có trách nhiệm.


 “Các anh mạnh dạn làm đi, tôi chịu trách nhiệm cho!” - 2
Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Đà Nẵng Nguyễn Hữu Chiến báo cáo với Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ về việc chỉ phạt được những người "làm thuê" mà không phạt được các đầu nậu xử ra việc phát, dán tờ rơi quảng cáo, rao vặt trái quy định! (Ảnh: HC)

Không phạt được “chủ nhân” mà chỉ phạt “người làm thuê”?



Tại cuộc họp, ông Huỳnh Đức Thơ cũng đặt câu hỏi: Tại sao chỉ cắt số điện thoại trên các tờ rơi quảng cáo, rao vặt hút hầm cầu, khoan cắt bê tông… phát đầy các ngã tư, dán khắp các đường phố, kiệt hẻm… gây mất mỹ quan đô thị mà không xử phạt chủ thuê bao các số điện thoại đó? Sở VH-TT-DL Đà Nẵng đã nghiên cứu vấn đề này thế nào? Tại sao không phạt được? Nếu phạt thì mức tối đa là bao nhiêu? Nếu phạt được tại sao lại không phạt?



Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Đà Nẵng Nguyễn Hữu Chiến trả lời: “Phát tờ rơi ngoài đường là vi phạm quy định về quảng cáo. Bản thân tôi đã đi tịch thu của mấy cậu phát tờ rơi ngoài đường, đem về cho anh em xử phạt. Cái đó thì hiện nay các quận, huyện phạt được rồi, như quận Hải Châu vừa rồi phạt mấy em đứng phát tờ rơi ở ngã tư Nguyễn Văn Linh – Trần Phú 1,5 triệu đồng!”.


Ông Huỳnh Đức Thơ không đồng ý: “Phạt người phát tờ rơi là khác mà phạt chủ nhân xử ra việc đó là khác!”. Ông Thơ nêu rõ, sở dĩ có tình trạng làm nửa vời, không xử phạt được các đối tượng đáng ra phải xử phạt thích đáng là do lãnh đạo các sở, ngành không chịu nghiên cứu. “Bao giờ các anh nghiên cứu hết mức rồi và kêu cái này không thể phạt được thì mới tính cách khác, còn bây giờ vẫn có thể phạt được, đúng không? Các nhà chuyên môn đâu, chả chịu nghiên cứu gì hết. Như thế làm sao chạy việc được!”.


Theo ông Huỳnh Đức Thơ, muốn làm cái gì dứt điểm cái đó thì phải làm tận gốc. Cách làm của các sở, ngành như vừa qua giống như để lai rai cho có việc làm chứ không dứt điểm được. Do vậy ông yêu cầu ông Nguyễn Hữu Chiến “về nghiên cứu, 2 – 3 ngày sau mời hết các chuyên gia, chuyên môn của anh lên trả lời cho tôi là phạt được hay không được. Không được thì phải làm thế nào cho được!”.


 “Các anh mạnh dạn làm đi, tôi chịu trách nhiệm cho!” - 3
Chỉ tay vào ngực mình, ông Huỳnh Đức Thơ nói với lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện của Đà Nẵng: "Các anh mạnh dạn làm đi, tôi chịu trách nhiệm cho!" (Ảnh: HC)

Các anh mạnh dạn làm đi, tôi chịu trach nhiệm cho!



Chứng kiến các trao đổi này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí nhận xét, nhiều nội dung trong việc thực hiện Chỉ thị 43 cũng như kế hoạch của UBND TP Đà Nẵng chưa có quy định chế tài để xử lý, hầu như làm theo kiểu “chữa cháy” là chính, đụng đâu xử lý đó, có tính chắp vá, nhất thời, không cơ bản, không chuyên nghiệp.



“Đến đây dự họp tôi cũng rất lạ là nhiều sở, ngành chức năng lẽ ra phải tham mưu cho Ủy ban những nội dung cụ thể này thì lại không tham mưu. Ba tháng rồi mà đến nay vẫn tiếp tục đề nghị Ủy ban phải thế này, phải thế kia. Đến lượt Ủy ban lại đề nghị các Sở chuyên ngành phải cụ thể hóa cái đó ra!” – ông Võ Công Trí nói.


Trong khi đó theo ghi nhận của ông, Sở VH-TT-DL Đà Nẵng là cơ quan thường trực “Năm Văn hóa, văn minh đô thị” nhưng dường như chỉ giao cho Phó Giám đốc Sở, còn Giám đốc Sở phụ trách chung chắc là cũng không quan tâm gì đến chuyện này. Và đó cũng là tình trạng chung ở nhiều sở, ngành, địa phương trên địa bàn TP trong việc thực hiện Chỉ thị 43!


Kết luận cuộc họp, một lần nữa ông Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh: “Chưa có quy định thì chúng ta phải tạo ra quy định. Chưa ai quy định thì chúng ta quy định, cũng giống như cai nghiện ma túy, chưa ai quy định thì tự mình quy định để xử lý tình hình trên địa bàn. Khi có quy định chung thì mình làm theo quy định đó, còn chưa có thì mình phải quy định để đưa đi cai nghiện. Nghĩa là phải làm cho tận gốc!”.


Ông yêu cầu các ngành trao đổi, thống nhất đề xuất chế tài xử phạt các lĩnh vực khó về văn hóa, văn minh đô thị để lãnh đạo TP xem xét quyết định và khẳng định: “Các anh bắt tay vào mạnh dạn, không có sợ sai chỗ này, sai chỗ khác. Tôi trông chờ các anh trình cho tôi ký những văn bản chỉ đạo mà những việc làm đó có thể chưa có ai quy định cả thì TP mình quy định. Các anh đề xuất lên, tôi ký liền!”.


Chỉ tay vào ngực mình, ông Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh: “Đề nghị các anh mạnh dạn tí đi, đừng có ngại nữa. Còn có ngại thì tôi chịu cho. Làm văn bản đi, tôi ký tôi chịu. Các anh tham mưu, ký nháy hay không ký nháy cũng được, tôi thấy đúng là tôi ký vô, sau này các anh làm đi, bảo là Chủ tịch TP bảo làm như thế!”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét