Người dân có thể dự thính phiên họp toàn thể, đại biểu phải hát Quốc ca và vắng mặt phải có lý do chính đáng... là những nội dung được đề cập trong Dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội sửa đổi.
Khắc phục tình trạng đại biểu vắng mặt
Chiều 24/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Dự thảo Nội quy (sửa đổi) quy định trong trường hợp không thể dự kỳ họp hoặc vắng mặt tại các phiên họp, đại biểu phải gửi văn bản nêu rõ lý do và thời gian vắng mặt đến Trưởng đoàn, đồng thời gửi Tổng thư ký để báo cáo Chủ tịch Quốc hội xem xét, quyết định. Danh sách đại biểu không thể dự kỳ họp được ghi vào Biên bản kỳ họp; danh sách các đại biểu vắng mặt phiên họp được ghi vào Biên bản phiên họp.
Để góp phần tăng cường kỷ cương, kỷ luật, khắc phục tình trạng vắng quá nhiều đại biểu, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng phiên họp cũng như kết quả biểu quyết, cũng có đại biểu kiến nghị dự thảo Nội quy nên bổ sung quy định về việc điểm danh bằng thẻ điện tử, công khai danh sách đại biểu vắng mặt và tỷ lệ tối thiểu đại biểu có mặt (có ít nhất quá nửa hoặc 2/3 tổng số đại biểu) là điều kiện bắt buộc để tiến hành phiên họp toàn thể.
Bà Trương Thị Mai hi vọng rằng, quy định như vậy sẽ khắc phục được tình trạng đại biểu vắng mặt hiện nay. Tuy nhiên, bà Mai đề nghị cần đưa ra quy định cụ thể, ví dụ nghỉ bao nhiêu ngày thì báo cáo lên các cấp trưởng đoàn, Tổng thư ký kỳ họp và Chủ tịch Quốc hội.
"Quy định đại biểu không được vắng mặt khi không có sự đồng ý của Chủ tịch Quốc hội thì căng quá, chả nhẽ nghỉ một ngày cũng phải xin phép trong khi Chủ tịch lại quá nhiều việc", bà Mai băn khoăn.
Chủ tịch hội đồng dân tộc Ksor Phước dẫn chứng, vừa qua có những đại biểu lợi dụng cuộc họp để giải quyết việc gia đình, làm việc riêng, khiến các thành viên trong đoàn đại biểu Quốc hội không hài lòng.
"Đối với các đại biểu vắng mặt một ngày, tôi đồng ý với chị Mai là không cần báo cáo Chủ tịch Quốc hội mà chỉ cần báo cho Trưởng đoàn rồi báo cho Tổng thư ký kỳ họp. Quốc hội làm việc tập thể, đại biểu là do dân bầu nên phải dự họp. Tôi đề nghị quy định rõ, đại biểu không được vắng quá 1/5 thời gian trong 1 kỳ họp và nếu vắng phải có lý do chính đáng, nếu không phải xử lý", ông Phước nói.
Công dân giám sát Quốc hội
Dự thảo quy định, công dân có thể được dự thính các phiên họp toàn thể công khai của Quốc hội. Tổng thư ký tổ chức việc công dân dự thính các phiên họp để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn kỳ họp, không ảnh hưởng đến hoạt động của Quốc hội.
Tuy nhiên, có đại biểu cho rằng, hoạt động của Quốc hội ngày càng công khai, thể hiện sự gần dân, thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của cử tri và nhân dân cả nước, trong Nội quy cần quy định rõ hơn về việc công dân dự thính kỳ họp, nhất là điều kiện dự thính, số lượng, thành phần, vị trí ngồi, trường hợp nào không được dự …
Bên cạnh đó, dự thảo cũng cần bổ sung quy định thông tin về kỳ họp, trong đó có quy định các phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp, để góp phần bảo đảm tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện để cử tri, nhân dân cả nước theo dõi, giám sát hoạt động của Quốc hội.
Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị bỏ từ "có thể" trong quy định "công dân có thể đến tham dự kỳ họp Quốc hội", vì người dân đến Quốc hội là để giám sát đại biểu làm việc.
Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề Xã hội Trương Thị Mai. Ảnh: TTX.
|
Đại biểu phải hát Quốc ca
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết dự thảo bổ sung quy định lễ chào cờ để khẳng định đây là thủ tục trọng thể được tiến hành trước khi khai mạc và sau khi bế mạc kỳ họp. Trong đó, đại biểu phải hát Quốc ca.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm ủy ban kinh tế Nguyễn Văn Giàu bày tỏ sự lo lắng vì mỗi đại biểu một giọng, hát không ổn lắm.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng, việc hát Quốc ca vẫn tiến hành, nếu người nào hát không hay có thể hát nhỏ hơn.
Ngắt hệ thống âm thanh khi đại biểu nói quá dài
Theo quy định, tại phiên họp toàn thể, Chủ tọa nêu những nội dung đề nghị đại biểu tập trung thảo luận. Đại biểu phát biểu tập trung vào nội dung của phiên thảo luận; không phát biểu quá hai lần về cùng một vấn đề. Thời gian phát biểu lần thứ nhất không quá 7 phút, lần thứ hai không quá 3 phút.
Uỷ ban pháp luật đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định trong trường hợp nội dung thảo luận không có nhiều đại biểu đăng ký phát biểu thì Chủ toạ phiên họp có thể cho đại biểu kéo dài thời gian. Trường hợp nội dung phức tạp, có thể mời đại biểu có kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực đó phát biểu, hoặc mời đại biểu phát biểu đến lần thứ 3, thứ 4 nếu chưa hết thời gian của phiên họp.
Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể biện pháp ngắt hệ thống âm thanh trong trường hợp đại biểu phát biểu quá thời gian quy định, không nên để chủ toạ nhắc nhở như hiện nay để nâng cao chất lượng phát biểu, tăng cường kỷ luật kỳ họp.