Vừa nghe tiếng trống báo hiệu bắt đầu làm bài, cũng là lúc anh Bùi Văn Phai (SN 1985, quê Lâm Đồng) hối hả đi bán những tờ vé số để mưu sinh. Khi giờ thi sắp hết, anh trở về điểm thi để cùng các chiến sĩ tình nguyện tiếp sức cho thí sinh.
Năm nào cũng vậy, vào những ngày thi đại học, ai cũng thấy một chàng trai dáng người thấp bé, bị hỏng một mắt nhưng lại rất năng nổ, nhiệt tình hướng dẫn, phân đường, có khi cùng thí sinh lên xe buýt để hướng dẫn các em đến trường thi một cách nhanh nhất. Chàng trai đó là anh Bùi Văn Phai (SN 1985, quê Lâm Đồng) với kinh nghiệm 9 năm khoác áo xanh tình nguyện.
9 năm qua, anh Phai vẫn miệt mài tiếp sức mùa thi cho sĩ tử, mặc dù mọi người ban đầu luôn e dè khi nhìn thấy một bên mắt anh.
Anh Phai luôn nhẹ nhàng giải thích khi người đối diện sợ hãi mình, nhưng cũng rất quyết liệt khi "làm nhiệm vụ"
Khi cổng trường đóng lại và tiếng trống báo hiệu bắt đầu thi thì anh Phai sẽ tranh thủ bán vé số để kịp giờ về hỗ trợ lúc sĩ tử kết thúc môn thi.
Anh Phai luôn muốn mọi người đừng nhìn vào khiếm khuyết của anh mà hãy hiểu cho những gì anh đang làm.
Anh luôn trân quý chiếc áo xanh tình nguyện vì nhờ nó mà mọi người nhìn anh với ánh mắt cảm thông và anh dễ dàng hòa nhập với cộng đồng.
9 năm qua, anh Phai vẫn miệt mài tiếp sức mùa thi cho sĩ tử, mặc dù mọi người ban đầu luôn e dè khi nhìn thấy một bên mắt anh.
Khi vừa được sinh ra, anh Phai đã bị dị tật mắt. Mắt phải của anh bẩm sinh không có mí, vì thế bác sĩ buộc phải bỏ đi nhãn cầu để anh bớt đau đớn. Vì là đứa trẻ ở vùng sâu của tỉnh Lâm Đồng, anh Phai nhiều lần bị bạn bè cùng trang lứa trêu ghẹo, không chơi chung. Vượt qua nỗi mặc cảm ngoại hình, khó khăn về kinh tế, năm 2005 anh Phai xuống Sài Gòn thi đại học. Một chàng trai ở miền quê ra tỉnh, đến bến xe anh không biết đi đâu, làm gì để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng trong cuộc đời mình. Nỗi cô đơn, buồn tủi khiến anh nghĩ đến việc bỏ thi, thế nhưng khi nghĩ về ba mẹ, về hoàn cảnh khó khăn của gia đình, anh nuốt nước mắt tự mình tìm nhà trọ, tìm địa điểm thi, năm đó anh trúng tuyển Trung cấp kế toán của trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng.
Hiểu được sự vất vả của một người ở quê nghèo đi thi đại học, năm 2006, anh Phai đăng ký làm tình nguyện viên tiếp sức mùa thi. Nhưng lần nữa, anh Phai gánh chịu sự mặc cảm nặng nề khi tiếp xúc với thí sinh, nhiều phụ huynh thậm chí còn giật lại hành lý khi anh xách dùm vì bảo anh giống... kẻ gian trà trộn vào đội tình nguyện. Anh không trách họ cặn kẽ giải thích, anh nhờ một chiến sĩ tình nguyện khác đi cùng để các sĩ tử và phụ huynh yên tâm rồi vui vẻ tiếp tục công việc ý nghĩa của mình. Anh tự mỉm cười khi thấy mình có ích. Tiếp sức mùa thi xong, anh vừa học vừa đi làm kiếm sống, thời gian rảnh lại đến các trung tâm trẻ mồ côi để làm từ thiện.
Anh Phai luôn nhẹ nhàng giải thích khi người đối diện sợ hãi mình, nhưng cũng rất quyết liệt khi "làm nhiệm vụ"
Khi tốt nghiệp ra trường, anh đi xin việc khắp nơi nhưng vừa nhìn anh người ta đã không muốn nhận, anh không cho phép mình nản nhưng suốt mấy năm liền anh phải chấp nhận số phận, anh về quê nhưng lại trở lại Sài Gòn vì quá nhớ những năm tháng tình nguyện nơi đây.
Vào công ty xin việc không ai nhận, làm thuê không ai mướn, anh Phai nhận vé số đi bán kiếm sống qua ngày. Thế nhưng không mùa thi nào thiếu vắng chàng "hiệp sĩ một mắt" này, hai tuần trước khi thi nếu ai đến BX Miền Đông (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cũng sẽ gặp anh ở đó, nhiệt tình hướng dẫn chỗ ở cho thí sinh ở các tỉnh. Cận ngày thi thì 2h khuya đã anh chạy loanh quanh trước cổng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật (Q.Thủ Đức, TP.HCM) để chuẩn bị đón thí sinh đến dự thi.
Khi cổng trường đóng lại và tiếng trống báo hiệu bắt đầu thi thì anh Phai sẽ tranh thủ bán vé số để kịp giờ về hỗ trợ lúc sĩ tử kết thúc môn thi.
Khi tiếng trống báo hiệu giờ thi bắt đầu, cũng là lúc anh Phai cầm những tờ vé số bán dở đêm trước để tranh thủ bán tiếp, nhằm kịp giờ trở về lúc kết thúc môn thi. Khi thí sinh bước ra cũng là lúc anh Phai hỗ trợ phân làn, điều tiết giao thông. Anh Phai chia sẻ: "Giờ đây, mọi người trong đội tiếp sức mùa thi đều quen biết tôi nên tôi dễ dàng làm công việc của mình. Tuy nhiên, thí sinh mỗi năm mỗi khác, vì thế họ vẫn sợ sệt và e dè khi tiếp xúc với tôi. Những lúc tôi tranh thủ bán vé số thì không kịp thay áo tình nguyện, nhiều người nói tôi lợi dụng chiếc áo đó nhằm bán nhanh hơn, đều đó khiến tôi cảm thấy buồn tủi nhưng họ nói là quyền của họ, còn tôi, tôi chỉ nghĩ rằng các em đã mất 12 năm để học, nếu như bây giờ vì một lý do nào đó không thể vào thi thì là một việc đáng tiếc nên tôi làm hết sức mình mà thôi".
Anh cùng các chiến sĩ tình nguyện khác tích cực phân làn, điều tiết giao thông trong giờ cao điểm.
Một ngày bình thường anh Phai sẽ nhận 150 tờ vé số để bán. nhưng đến mùa thi anh chỉ nhận 100 tờ, có ngày chỉ bán được khoảng 70 tờ vì những lúc đông thí sinh, anh hỗ trợ đến... quên đi bán. Tuy 9 năm qua vừa bán vé số, vừa tiếp sức nhưng đến hội đồng thi là anh cất vé số đi, chưa bao giờ anh bán cho những tình nguyện viên khác, hay viện lý do hỗ trợ sĩ tử để nhờ người ta mua giúp, vì nếu anh làm vậy thì là đang lợi dụng chiếc áo xanh tình nguyện. Với anh Phai, anh mặc màu áo xanh tình nguyện vì nhờ chiếc áo ấy mà có người dám đến gần anh để nhờ giúp đỡ, lúc đó anh cảm thấy tự tin và dễ hòa nhập với cộng đồng hơn.
Anh Phai luôn muốn mọi người đừng nhìn vào khiếm khuyết của anh mà hãy hiểu cho những gì anh đang làm.
"Tôi làm tình nguyện viên từ năm 2010 đến giờ, năm nào cũng thấy anh Phai ra đây giúp đỡ thí sinh, anh là người dễ mến và rất nhiệt tình trong mùa thi, anh không ngại trời mưa hay nắng, công việc nặng nhẹ thế nào, việc gì anh cũng làm. Khi thí sinh đã vào phòng thi thì anh ấy mới yên tâm đi bán, và lúc nào cũng về trước 30 phút của môn thi để tiếp tục công việc tình nguyện. Không những thế, khi mùa thi qua đi, anh ấy lại đi làm để tiếp tục công việc từ thiện của mình, đó là một anh chàng đáng quý", anh Sơn (tình nguyện viên tiếp sức mùa thi tại điểm thi ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) cho biết.
Ngoài việc bán vé số, anh Phai còn bán bánh tráng để có tiền cho việc từ thiện, nếu không có tiền, anh sẽ huy động những bạn bè của mình, hoặc bắt xe đến mái ấm dành cho trẻ mồ côi để góp công mình vào những việc cần thiết như sửa chữa, quét dọn.
Anh luôn trân quý chiếc áo xanh tình nguyện vì nhờ nó mà mọi người nhìn anh với ánh mắt cảm thông và anh dễ dàng hòa nhập với cộng đồng.
Bạn Đinh Nguyệt Hồng (Thí sinh, quê Đồng Nai) cho biết: "Ban đầu khi em vào hỏi đường, em không dám đến gần anh ấy. Em không kỳ thị nhưng em cũng là sinh viên ở quê lần đầu lên phố, thấy anh chạy đến xách đồ dùm, em nhìn vào mắt anh ấy rồi bất giác sợ quá, không dám đưa đồ cho anh. Tuy nhiên, hôm nay thấy anh chạy vào, chạy ra giúp đỡ mọi người, em mới thấy ngại và có lỗi với anh lắm".
Mặc ai nói gì, nghĩ gì, anh Phai vẫn âm thầm làm công việc ý nghĩa của mình, anh tin rằng rồi mọi người sẽ hiểu, tuy anh có ngoại hình không đẹp bằng người khác, nhưng tấm lòng anh lúc nào cũng hướng đến điều thiện, hướng đến mọi người. Vì anh hãnh diện, tự hào với công việc mình làm và sẽ luôn chắc chắn một điều rằng năm nào anh cũng cùng sĩ tử vượt qua chặng đường quan trọng nhất. Qua đây, anh Phai gửi lời chúc cho những sĩ tử năm nay đạt kết quả tốt và ai cũng hân hoan trở thành tân sinh viên cho năm học tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét