Thứ Ba, 14 tháng 7, 2015

Chuyện chưa biết về bức ảnh "Cụ bà đẹp nhất thế giới" qua lời kể của nhiếp ảnh gia

"Đó là bức ảnh tôi yêu thích nhất trong hơn 50.000 tấm hình mà tôi từng chụp từ khi bắt đầu đặt chân đến mảnh đất Việt Nam duyên dáng đầy sức sống" - nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Pháp, Réhahn chia sẻ cảm xúc khi nói về tác phẩm "Cụ bà đẹp nhất thế giới".

Nhắc đến nhiếp ảnh gia Réhahn (SN 1979, người Pháp), hẳn những người quan tâm đến lĩnh vực nhiếp ảnh nghệ thuật sẽ cảm thấy khá thân quen. Anh chính là một trong số ít những "tay máy" nước ngoài gặt hái được nhiều thành công khi chuyển đến công tác tại Việt Nam.

Nói về đất nước và con người Việt Nam, Réhahn tâm sự: "Tôi rất thích cuộc sống ở đây. Vì thế 3 năm trước, tôi đã chuyển đến Hội An sinh sống. Đất nước các bạn thật tuyệt, nhất là Hội An! Nó giống như một cái "sutdio mở", mọi thứ đều đẹp, chỉ cần giơ máy lên, dù ở đâu, tôi cũng dễ dàng tìm được những khuôn hình ưng ý và những "người mẫu" tuyệt vời".

Cũng chính bởi tình yêu chân thành, sâu sắc ấy mà Réhahn luôn có một góc nhìn khác lạ khi tiếp xúc với thiên nhiên, con người Việt Nam. Không chỉ chụp ảnh bằng "mánh" nghề mà hơn hết, Réhahn luôn biết cách thổi hồn và khơi lại sức sống mạnh mẽ đằng sau những khuôn hình tưởng như đã in "chết" trên máy ảnh.


Tác giả của bức ảnh "Cụ bà đẹp nhất thế giới" - nhiếp ảnh gia người Pháp 
Réhahn.
"Cái đẹp là khi nó đã vượt qua những giới hạn mà bạn có thể hình dung"

Trong những bức ảnh mà Réhahn chụp về đất nước và con người Việt Nam, anh đặc biệt yêu thích bức hình của cụ bà Bùi Thị Xong (78 tuổi, Hội An). "Đó là bức ảnh tôi yêu thích nhất trong hơn 50.000 tấm hình mà tôi đã từng chụp từ khi bắt đầu đặt chân đến mảnh đất Việt Nam duyên dáng đầy sức sống", Réhahn nói.

Chàng trai "7X đời cuối" này trân trọng và yêu thích đến mức tự coi nhân vật của mình là "cụ bà đẹp nhất thế giới". Sự vinh danh tới mức tối cao ấy của Réhahn khiến người khác không khỏi hiếu kỳ. Họ thắc mắc: "Tại sao người đẹp nhất không phải ai khác mà lại là cụ bà 78 tuổi này"? Nói về điều này, Réhahn chỉ mỉm cười và khẳng định: "Cái đẹp là khi nó đã vượt qua những giới hạn mà bạn có thể hình dung".


Bức ảnh với tiêu đề "Cụ bà đẹp nhất thế giới" của nhiếp ảnh gia Réhahn.

"Tôi vẫn nghĩ cái đẹp là không bao giờ có một định nghĩa thật rõ ràng, nó là thứ đẹp nhất khi bạn đã gửi trọn tình yêu và hy vọng của mình vào đó", Réhahn tâm sự.

Réhahn giải thích:"Người mẫu" của tôi, cho dù đã đi qua thời thanh xuân và đang dừng ở cái dấu mốc sắp gần đất, xa trời, cho dù đã có bao nét khắc khổ in dấu trên đôi tay, gương mặt, nhưng các bạn cũng thấy đấy, khi bà ấy cười, tôi thấy như bao nhiêu mệt mỏi đều tan biết đi. Khi đến Việt Nam, tôi bất chợt tin rằng, cuộc sống này thật nhẹ nhàng biết bao khi mọi người đều tự tin nở những nụ cười hạnh phúc như thế".

Trong các bức ảnh của mình, Réhahn luôn đặc biệt chú ý đến nụ cười và ánh mắt. Anh tập trung cao độ trong việc cố gắng tạo ra độ tương phản, sắc nét trong từng khuôn hình để mỗi ánh mắt, nụ cười của nhân vật được sâu và sắc sảo hơn. Với mỗi bức ảnh, Réhahn lại đem đến cho người xem cảm xúc khác nhau về con người, đất nước Việt Nam.
 Réhahn chụp ảnh cùng cụ bà Bùi Thị Xong trên chiếc thuyền mà anh mua tặng cụ.




Mối quan hệ giữa tác giả và nhân vật vẫn tiếp tục duy trì mãi về sauKhi cuốn sách được in ấn, Réhahn mang nó đến tặng lại cho cụ Xong.

Kể về nụ cười đặc biệt của nhân vật, Réhahn tự hào khoe rằng chính anh là người trực tiếp khiến cụ Xong bật cười. "Chắc tại tôi nói tiếng Việt buồn cười quá. Tôi nói bập bõm câu "cụ không có răng à". Thế là cụ bật cười rồi lấy tay che miệng như vậy đấy (cười lớn)".

Riêng đôi mắt sáng ngời như biết nói của cụ Xong, nhiếp ảnh gia Réhahn khẳng định: "Dù chẳng thấy môi cụ Xong hé nở bởi cụ chặn tay rồi còn đâu (cười), nhưng bằng ánh mắt, tôi biết cụ đang cười rất hạnh phúc. Đôi mắt cụ, chính nó đang cười đấy! Sau này, tôi cũng nghiệm ra rằng, chính đôi mắt mới là đặc điểm quan trọng nhất trên gương mặt mỗi người".

Dành thời gian tâm sự với cụ Xong, Réhahn biết được hoàn cảnh khó khăn của nhân vật, dù đã cao tuổi nhưng hàng ngày cụ vẫn phải chèo thuyền đưa khách qua sông để kiếm tiền. Thương người đàn bà suốt đời cực nhọc, Réhahn đã mua tặng cụ một con thuyền mới và cầu chúc cho công việc của cụ sẽ gặp nhiều thuận lợi.

"Tôi đi du lịch rồi vô tình đi thuyền của cụ và tình cờ nảy sinh ý định chụp hình vì qua cuộc trò chuyện, tôi chợt nhận thấy đây là một hình mẫu rất tiêu biểu cho lớp người cao tuổi tại Việt Nam. Họ dù đã già yếu nhưng vẫn rất yêu lao động và luôn tự tin, yêu đời", Réhahn nói thêm.

Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ cùng nhân vật, Réhahn thẳng thắn nói: “Không ai có thể tạo dáng chụp ảnh đẹp sau 5 phút gặp gỡ cả. Thường thì khi bạn gặp một người lạ và xin chụp ảnh họ thì họ sẽ tạo dáng kiểu thông thường chứ không phải là nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Thế nên với cụ Xong cũng vậy, để bắt được khoảnh khắc đó, tôi đã mất rất nhiều thời gian”.

Vẫn tiếp tục đi tìm những "cụ bà đẹp nhất thế giới"

Nói về sự nghiệp cầm máy của mình, nhiếp ảnh gia Réhahn khiêm tốn khẳng định bản thân mình không phải là một "tay máy" chuyên nghiệp. Khi sống ở Pháp, chính Réhahn cũng chưa bao gi nghĩ, một ngày kia, anh sẽ lang thang cùng chiếc máy ảnh trên tay, đi xa nửa vòng trái đất để dâng cho đời những khuôn hình đầy màu sắc.

"Tôi không được đào tạo bài bản để trở thành một nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Tôi tự mày mò học hỏi và chỉ thực sự suy nghĩ nghiêm túc về việc nghiệp cầm máy khi đến Việt Nam sinh sống" - Réhahn nói. Chia sẻ về dự định trong tương lai, Réhahn cho biết, anh rất thích chụp ảnh về người già và sẽ tiếp tục đi tìm thêm những "cụ bà đẹp nhất thế giới".
Khác với nhiều người, Réhahn yêu Việt Nam không chỉ bởi phong cảnh thiên nhiên hữu tình, người dân hiếu khách mà hơn hết, anh yêu thích mảnh đất này bởi nhận thấy "người mẫu" của mình có mặt ở khắp mọi nơi. "Khi đặt chân đến Việt Nam, chỉ cần bước ra khỏi cửa là tôi đã choáng ngợp bởi bao khuôn hình tuyệt vời", Réhahn trải lòng.




Nhiếp ảnh gia 
Réhahn chính là người tích cực quảng bá hình ảnh Việt Nam đến bạn bè nhiều nước trên thế giới.
Réhahn tâm sự, ông đã từng đến 32 nước trên thế giới nhưng rồi nhận ra, Việt Nam là quốc gia "đáng sống" nhất thế giới. "Tôi yêu mến người Việt Nam vì họ sống vì tình cảm, hay cười và rất hòa nhã. Tôi tìm thấy tự do và hạnh phúc khi sinh sống ở Việt Nam và tôi tin, cuộc sống đích thực là ở đây!", Réhahn khẳng định.

Niềm yêu thích ấy đã giúp Réhahn, chỉ trong vòng 3 năm chuyển đến Việt Nam đã có một kho tàng ảnh với 50.000 bức. Năm 2013, nhiếp ảnh gia người Pháp đã có chuyến đi bằng xe máy lên miền Bắc Việt Nam trong 15 ngày để chụp ảnh và thu về 5.600 bức ảnh khác. 

Nhiếp ảnh gia sinh năm 1979 này cũng chính là người đã mang hình ảnh Việt Nam đi khắp thế giới thông qua các cuộc triển lãm cũng như liên tục phát hành ảnh in trên các tạp chí nổi tiếng thế giới. Trong dịp diễn ra lễ hội Globe Trotters tại Paris, Pháp, buổi ra mắt triển lãm ảnh “Un autre Vietnam” (Một Việt Nam) của Réhahn tại nhà hát Opéra de Massy đã thu hút sự quan tâm của hơn 3.000 du khách và giới nhiếp ảnh quốc tế. Bên cạnh những cuộc triển lãm tại các tỉnh, thành phố Việt Nam, Réhahn cũng đã thực hiện nhiều cuộc triển lãm giới thiệu về Việt Nam tại các quốc gia khác như: Rennes (Pháp), Roma (Ý),  Dublin (Ireland). Ảnh của Réhahn bán chạy tại hơn  20 quốc gia trên thế giới và là nhịp cầu nối bạn bè quốc tế đến thăm Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét