Đồ thị mới thể hiện được phân bố điểm của một nửa thí sinh dự thi ở mỗi môn, chưa làm rõ được số lượng bị điểm liệt vì không có thống kê số thí sinh được 0,25 và 0,75 điểm.
Chia sẻ với VnExpress, một chuyên gia hàng đầu về đo lường và đánh giá trong giáo dục cho biết, phổ điểm các môn thi THPT quốc gia mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố khó có thể gọi là "phổ điểm", bởi mỗi môn chỉ thống kê 1/2 số thí sinh, sai về mặt thống kê phổ điểm của toán học. Đơn cử môn Toán có 947.028 thí sinh dự thi nhưng theo thống kê trên đồ thị phổ điểm chỉ có 499.941 thí sinh; môn Vật lý có hơn 463.000 thí sinh đến làm bài thi nhưng đồ thị chỉ thể hiện kết quả của hơn 92.600 em.
"Phổ điểm giúp xã hội giám sát được chất lượng giáo dục, giúp học sinh biết được vị trí của mình, từ đó chọn được trường phù hợp để nộp hồ sơ xét tuyển. Tuy nhiên, với cách làm phổ điểm như thế này, khó mà đạt được hai mục tiêu trên", vị chuyên gia nói.
Phổ điểm môn Vật lý có các dải điểm cách nhau 1 điểm.
|
Đồ thị chưa thể hiện hết số lượng thí sinh bị điểm liệt
Đồ thị không có thống kê số thí sinh được 0,25 và 0,75 điểm, nên con số thực tế bị điểm liệt cao hơn nhiều so với con số hiển thị. Ví dụ môn Toán, đồ thị chỉ cho thấy có khoảng 20.000 thí sinh từ 0 đến 1 điểm. Nhưng nếu tính cả số thí sinh được 0,25 và 0,75 thì lớn hơn nhiều.
Đồ thị cũng hoàn toàn không đạt được mục đích như Bộ Giáo dục công bố là phục vụ thí sinh đăng ký tuyển sinh đại học, cao đẳng. Theo cách tính điểm trong barem chấm thi, giáo viên phải chấm sát đến 0,25 điểm và tổng điểm của thí sinh sẽ không được làm tròn. Tuy nhiên, đồ thị Bộ công bố thì lại thể hiện các dải điểm cách nhau 0,5 điểm.
Như vậy, thí sinh sẽ không biết được có bao nhiêu người hơn mình 0,25 điểm mỗi môn. Khi tính tổng ba môn tổ hợp để xét tuyển vào đại học thì tổng điểm của thí sinh ở hai dải điểm liền nhau cách nhau 0,75 điểm, trong khi xét tuyển vào đại học, cách nhau 0,5 điểm đã là một vấn đề lớn.
Đặc biệt, ba môn Lý, Hoá, Sinh, Bộ Giáo dục không làm đồ thị phổ điểm đến 0,5 điểm như các môn khác mà dải điểm lại cách nhau tận 1 điểm. Như vậy, khi tích hợp điểm ba môn, thí sinh chỉ biết được số lượng thí sinh nhiều hơn 3 điểm, số lượng thí sinh bằng điểm, mà hoàn toàn không biết số thí sinh hơn 0,5 - 1 - 2 điểm vì không được thể hiện trong đồ thị. Như vậy sẽ rất khó cho các em cân nhắc chọn trường.
Phổ điểm đẹp nhất là môn Địa, xấu nhất là Ngoại ngữ
Theo các phổ điểm đã công bố, môn có phổ điểm tốt nhất là Địa lý với đường phân bố gần với đường chuẩn. Dựa vào đồ thị có thể thấy đề thi môn Địa đã làm tốt nhiệm vụ phân loại được thí sinh, từ đó giúp các trường dễ dàng lựa chọn thí sinh phù hợp.
Ngược lại, đồ thị môn Ngoại ngữ quá tệ khi tất cả đều lệch trái. Tức là, số thí sinh có điểm trội nhất là ở mức 2,5 điểm. Điều này chứng tỏ đề thi không đáp ứng được yêu cầu. Với mục tiêu hai trong một, vừa dành cho thí sinh tốt nghiệp, vừa dành cho thí sinh xét tuyển vào đại học, đề thi có 60% kiến thức cơ bản. Như vậy, nếu đồ thị có lệch thì sẽ lệch ở điểm 5 chứ không phải 2,5.
"Điều này chứng tỏ đề rất khó với các thí sinh, dẫn tới nhiều em có thể bị trượt tốt nghiệp vì môn Ngoại ngữ. Còn nếu trường hợp đề tốt, thì trình độ Ngoại ngữ của học sinh Việt Nam quá kém, cần xem lại quá trình dạy và học", chuyên gia đo lường nhận định.
Đồ thị phổ điểm môn Toán.
|
Phổ điểm cho thấy đề Toán có vấn đề về tính phân loại
Theo phổ điểm, đề Toán khoảng 277.000 thí sinh từ 5 điểm trở xuống, trong đó có khoảng 20.000 em bị điểm liệt (chưa tính thí sinh được 0,25 và 0,75 điểm). Nhìn vào đồ thị có thể thấy khoảng bên trái có thể đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp dễ, nhưng khoảng bên phải phân biệt rất khó. Hai câu được đánh giá để tạo ra sự phân hóa thí sinh từ 8 đến 10 điểm có thể nói chưa sát năng lực người học. Bởi thực tế số điểm 9 lại nhiều hơn so với 8,5 (8.152 em điểm 9 trong khi chỉ có 3.775 em được điểm 8,5). Như vậy tính phân loại ở top trên chưa đảm bảo.
Với lượng điểm trên phân bố đồ thị, từ điểm 6,5 đến 7,5 thì độ dốc của đồ thị rất cao, từ trên gần như kéo thẳng đứng xuống chứng tỏ đề thi không đánh giá được học sinh trung bình khá. Vì vậy, đại học tốp trung khó khăn trong việc đưa ra điểm trúng tuyển để cho đủ chỉ tiêu. Ví dụ chỉ tiêu 5.000 lấy 20 điểm thì thừa, lấy 20,5 thì thiếu vì độ phân biệt ở hai nhóm thí sinh này không cao.
Để giải quyết được vấn đề này, các trường cần có thêm tiêu chí phụ để xét tuyển những thí sinh có điểm bằng nhau, đến khi thực hiện sẽ gặp khó. Còn các trường top trên thì dễ dàng hơn vì số từ điểm 8 trở lên đã được phân loại.
Cách đọc đồ thị phổ điểm để cân nhắc chọn trường
Thí sinh muốn nộp hồ sơ xét tuyển vào đại học phải xét tổ hợp ba môn theo quy định của trường. Muốn biết số lượng thí sinh bằng hoặc hơn điểm mình thì phải nhìn trên 3 môn định xét, xem lượng thí sinh có tổng điểm 3 môn như mình là bao nhiêu, hoặc phổ điểm cao số lượng thí sinh đạt được thế nào.
Trên cơ sở đó biết được vị trí của mình trên tổng số thí sinh cả nước, tính tổng chỉ tiêu các trường top cao thì cân nhắc chọn trường theo ngành nghề yêu thích. Ví dụ, nếu các trường top đầu lấy tổng chỉ tiêu là 50.000, nếu như thí sinh có tổng điểm nằm ngoài 50.000 này thì khó lòng đỗ, tất nhiên có thể tuỳ ngành, nhưng khả năng đỗ không cao thì thí sinh nên lựa chọn các trường top giữa có đào tạo ngành mình thích
.Cân ô tô điện tử 40 tấn | Cân ô tô điện tử 60 tấn | Cân ô tô điện tử 80 tấn
.Cân ô tô điện tử 40 tấn | Cân ô tô điện tử 60 tấn | Cân ô tô điện tử 80 tấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét